Tín Lý Ngũ Tuần

Kinh Thánh là một nguyên tắc hoàn toàn đầy đủ cho đức tin và hành động của chúng ta. Bản tuyên ngôn tín lý căn bản này được xem là nền tảng chung của sự thông công giữa chúng ta (như trong I Cô-rinh-tô 1:10; Công vụ 2:42). 

1. Kinh Thánh Được Mặc Khải

Kinh Thánh gồm Cựu Ước và Tân Ước, là lời thành văn được Đức Chúa Trời soi dẫn và là sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho con người, không sai lầm (vô ngộ), là nguyên tắc có thẩm quyền cho đức tin và hành động (II Ti-mô-thê 3:15-17; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; II Phie-rơ 1:21).

2. Đức Chúa Trời Chân Thần Duy Nhất

Đức Chúa Trời Chân Thần duy nhất đã mặc khải chính Ngài là “ĐẤNG TỰ HỮU - HẰNG HỮU”, Đấng Sáng tạo trời và đất và là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Hơn nữa Ngài còn mặc khải chính mình Ngài là hiện thân của các nguyên tắc thông công và kết hợp như Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh (Phục truyền 6:4; Ê-sai 43:10-11; Lu-ca 3:22).

Sự Tôn Thờ Đức Chúa Trời Ba Ngôi

a. Định nghĩa

Các danh từ “Ba Ngôi” (Trinity) và “Thân Vị” (Person) có liên quan đến Đức Chúa Trời, mặc dù không được ghi rõ trong Kinh Thánh, nhưng là những lời phù hợp với Kinh Thánh. Do đó chúng ta có thể truyền cho người khác sự hiểu biết của mình về giáo lý của Đấng Christ rằng Ngài là Đức Chúa Trời Thực Hữu (Being God) để phân biệt với “nhiều thần nhiều chúa” khác. Do đó chúng ta có thể nói cách chính xác là Đức Chúa Trời, là Ba Ngôi hay một Đấng Thực Hữu gồm ba thân vị mà vẫn phù hợp hoàn toàn với Kinh Thánh.

b. Phân biệt và quan hệ trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời

Đấng Christ dạy về sự phân biệt giữa các thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời bằng cách mô tả sự liên hệ trong các từ đặc biệt như Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh, nhưng sự phân biệt và mối quan hệ này về phương diện con người không thấu triệt và không thể hiểu nỗi (Lu-ca 1:35; I Cô-rinh-tô 1:24; Ma-thi-ơ 11:25-27; 28:19; II Cô- rinh-tô 13:14; I Giăng 1:3-4).

c. Sự hiệp nhất của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh

Trong Đức Chúa Cha có phẩm cách tạo thành Ngài là Đức Chúa Cha, không phải là Đức Chúa Con. Trong Đức Chúa Con có phẩm cách tạo thành Ngài là Đức Chúa Con chứ không phải Đức Chúa Cha và trong Đức Thánh Linh có phẩm cách tạo thành Ngài là Đức Thánh Linh chứ không phải Đức Chúa Cha hay Đức Chúa Con. Vì thế Đức Chúa Cha là Đấng sanh dựng, Đức Chúa Con là Đấng được sanh dựng và Đức Thánh Linh là Đấng thực hiện từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Cho nên ba thân vị trong Đức Chúa Trời là một thể hiệp nhất nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời toàn năng và danh Ngài là duy nhất (Giăng 1:18; 15:26; 27:11; 21; Xa-cha-ri 14:9).

d. Nhận diện và sự cộng tác trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời

Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh không bao giờ đồng nhất về phương diện thân vị, hoặc lẫn lộn trong mối quan hệ, cũng không bị tách rời trong việc tôn trọng đối với Ba Ngôi Đức Chúa Trời, hoặc bị đối nghịch trong sự cộng tác. Đức Chúa Con ở trong Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha ở trong Đức Chúa Con như là mối liên hệ. Đức Chúa Con ở với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha ở với Đức Chúa Con trong sự thông công.

Về phương diện thẩm quyền, Đức Chúa Cha không đến từ Đức Chúa Con nhưng Đức Chúa Con đến từ Đức Chúa Cha. Đức Thánh Linh từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con thực hiện theo phương diện bản chất, quan hệ, cộng tác thẩm quyền. Như vậy không một ngôi vị nào trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiện hữu hay hành động riêng biệt hoặc độc lập với các ngôi vị khác (Giăng 5:17-30; 32; 37; Giăng 8:17-18).

e. Danh xưng Đức Chúa Giê-xu Christ

Danh xưng “Đức Chúa Giê-xu Christ” là chính Danh trong Tân Ước. Danh xưng này không bao giờ được áp dụng cho Đức Chúa Cha hay Đức Thánh Linh, do đó danh xưng này chỉ biệt riêng cho CON ĐỨC CHÚA TRỜI (Rô-ma 1:1-3; 7; II Giăng 3).

f. Đức Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời ở với chúng ta

Đức Chúa Giê-xu Christ về phương diện thần tánh và bản chất vĩnh cửu thì Ngài đích thực là Con Độc Sanh của Đức Chúa Cha, nhưng về phương diện nhân tánh thì Ngài đích thực là CON LOÀI NGƯỜI (Son of Man). Vì vậy Ngài được gọi là Thần Nhân (God and man), vì Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là người, Ngài còn được gọi là Em-ma-nu-ên, nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ma-thi-ơ 1:23; I Giăng 4:2,10,14; Khải huyền 1: 13,17).

g. Danh hiệu, Con Đức Chúa Trời

Vì danh hiệu Em-ma-nu-ên bao gồm cả Đức Chúa Trời và loài người trong một thân vị của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, nên danh hiệu CON ĐỨC CHÚA TRỜI mô tả thần tánh đích thực của Ngài, còn danh hiệu CON LOÀI NGƯỜI chỉ về nhân tánh đích thực của Ngài. Do đó danh xưng Con Đức Chúa Trời thuộc về lãnh vực cõi vĩnh hằng và danh xưng CON LOÀI NGƯỜI thuộc về lãnh vực thời gian (Ma-thi-ơ 21:23; II Giăng 3; I Giăng 3:8; Hê-bơ-rơ 7:3; 1:1-13).

h. Vi phạm giáo lý về Đấng Christ

Vì những điều nêu trên, hễ ai nói rằng Đức Chúa Giê-xu Christ nhận danh hiệu CON ĐỨC CHÚA TRỜI do sự kiện nhập thể của Ngài, hay vì Ngài có quan hệ với công tác cứu rỗi là vi phạm giáo lý về Đấng Christ. Do đó, phủ nhận Đức Chúa Cha là thực hữu và vĩnh hằng, và phủ nhận Đức Chúa Con là thực hữu và vĩnh hằng tức là phủ nhận sự phân biệt và quan hệ trong Đức Chúa Trời thực hữu, nghĩa là phủ nhận Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, và là thiên lệch đối với chân lý Đức Chúa Giê-xu đã đến trần gian trong thân xác con người (II Giăng 9; Giăng 1:1,2,14,18,29,49; I Giăng 2:22-23; 4:1-5; Hê-bơ-rơ 12:2).

i. Suy tôn Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa

Đức Chúa Giê-xu Christ Con Đức Chúa Trời, Đấng tẩy sạch tội lỗi chúng ta bằng chính huyết Ngài, Ngài được đem lên ngồi bên hữu của Đấng Chủ Tể ; các thiên sứ, các quyền bính và các thế lực đều thuận phục Ngài. Sau khi Ngài được tôn lên làm Cứu Chúa và Christ, Ngài đã ban Đức Thánh Linh xuống, để trong danh Ngài chúng ta có thể quỳ gối và tuyên xưng Giê-xu Christ là Cứu Chúa và để tôn vinh Đức Chúa Cha cho đến kỳ chung kết, khi Đức Chúa Con phục Đức Chúa Cha hầu cho Đức Chúa Trời có thể làm mọi sự trong mọi sự (Hê-bơ-rơ 1:3; I Phi-e-rơ 3:22; Công vụ 2:32-36: Rô-ma 14:11; I Cô-rinh-tô 15: 24-28). 

j. Vinh hiển đồng đẳng giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con

Vì Đức Chúa Cha đã giao toàn quyền phán xét cho Đức Chúa Con, nên không những nói lên bổn phận của mọi loài thọ tạo trên trời và dưới đất phải quỳ gối, mà còn là một niềm vui không thể diễn tả trong Đức Thánh Linh khi quy cho Đức Chúa Con mọi thuộc tính thiên thượng và ban cho Ngài tất cả sự tôn quí, vinh hiển dành cho tất cả danh hiệu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời ngoại trừ các phần mô tả mối quan hệ (xem tiểu mục b,c,d) và như vậy chúng ta tôn kính Đức Chúa Con như tôn kính Đức Chúa Cha (Giăng 5:22-23; I Phi-e-rơ 1:8; Khải huyền 5:6-14; Phi-líp 2:8-9; Khải huyền 7: 9-10; 4:8-11).

3. Thần Tánh Của Đức Chúa Giê-xu

Đức Chúa Giê-xu Christ là Con Đời Đời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh công bố về:

a. Sự giáng sinh của Ngài bởi nữ đồng trinh (Ma-thi-ơ 1:23; Lu-ca 1: 31,35).
b. Đời sống vô tội của Ngài (Hê-bơ-rơ 7:26; I Phi-e-rơ 2:22).
c. Những phép lạ của Ngài (Công vụ 2:22; 10:38).
d. Công tác chết thay của Ngài trên thập tự giá (I Cô-rinh-tô 15:3; II Cô-rinh-tô 5:21).
e. Sự phục sinh về thân thể của Ngài từ kẻ chết (Ma-thi-ơ 28:6; Lu-ca 24:39; I Cô-rinh-tô 15:4).
f. Ngài được tôn cao lên bên hữu Đức Chúa Trời (Công vụ 1:9,11; 2:33; Phi-líp 2:9-11; Hê-bơ-rơ 1:3).

4. Sự Sa Ngã Của Loài Người (Sự Mất Địa Vị Của Loài Người)

Loài người được tạo dựng cách tốt đẹp và hoàn thiện, vì Đức Chúa Trời phán: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta”. Tuy nhiên do cố ý phạm tội nghịch lại cùng Đức Chúa Trời nên con người không những bị chết về thể xác nhưng còn chết về thuộc linh, tức là phân cách với Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 1:26-27, 2:17,3:6; Rô-ma 5:12-19).

5. Sự Cứu Rỗi Loài Người (Sự Phục Hồi Địa Vị Của Loài Người)

Hy vọng duy nhất của loài người về sự cứu chuộc là qua dòng huyết đổ ra của Đức Chúa Giê-xu Christ, Con Đức Chúa Trời.

a. Những điều kiện của sự cứu rỗi. Con người tiếp nhận sự cứu rỗi qua việc ăn năn tội đối với Đức Chúa Trời và đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhờ sự rửa sạch của sự tái sinh và được Đức Thánh Linh đổi mới, sự xưng công bình nhờ ân điển bởi đức tin, con người trở nên người thừa kế của Đức Chúa Trời theo hy vọng của cuộc sống vĩnh cửu (Lu-ca 24:47; Giăng 3:3; Rô-ma 10:13-15; Ê-phê-sô 2:8; Tít 2:11, 3:5-7).

b. Những bằng chứng của sự cứu rỗi. Bằng chứng nội tại của sự cứu rỗi là sự chứng nhận trực tiếp của Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:16). Bằng chứng ngoại tại cho tất cả mọi người là nếp sống theo sự công bình và sự thánh khiết thật sự (Ê-phê-sô 4:24; Tít 2:12).

6. Các Thánh Lễ Của Hội Thánh

a. Lễ Báp-têm bằng nước.

Thánh lễ báp-têm dìm mình trong nước được dạy bởi Kinh Thánh. Tất cả những ai ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa và Chủ của đời sống mình đều được làm báp-têm. Như vậy họ tuyên bố với thế gian rằng mình đã chết với Đấng Christ và cùng sống lại với Ngài để sống một cuộc đời mới (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:16; Công vụ 10:47-48; Rô-ma 6:4).

b. Lễ Tiệc thánh.

Bữa tiệc do Chúa Giê-xu thiết lập bao gồm: Bánh và Nước nho – là biểu tượng sự dự phần của chúng ta vào bản chất thiên thượng của Đức Chúa Giê-xu Christ (II Phi-e-rơ 1:4). Tiệc thánh còn là sự tưởng niệm về sự thương khó và sự chết của Ngài (II Cô-rinh-tô 11:26) cũng là lời tiên tri về sự tái lâm của Ngài (I Cô-rinh-tô 11:26), được tất cả các tín hữu thực hiện “cho đến khi Ngài trở lại.”

7. Phép Báp-têm Trong Đức Thánh Linh

Tất cả các tín hữu được quyền hưởng và nên mong muốn cách nhiệt thành trong việc tìm kiếm lời hứa của Đức Chúa Cha, tức là báp-têm trong Đức Thánh Linh theo lệnh truyền của Đức Chúa Giê-xu Christ. Đây là kinh nghiệm bình thường của tất cả tín hữu trong thời kỳ Hội Thánh đầu tiên. Kèm theo phép báp-têm trong Đức Thánh Linh là sự nhận lãnh quyền năng để sống đạo và phục vụ, cùng với sự ban cho các ân tứ và cách sử dụng các ân tứ này trong công tác phục vụ (Lu-ca 24:49; Công vụ 1:4-8; I Cô-rinh-tô 12:1-31). Kinh nghiệm này được tiếp nối và khác biệt với kinh nghiệm về sự tái sanh (Công vụ 8:12-17, 10:44-46,11:14- 16, 15:7-9).

Cùng với phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh còn có các kinh nghiệm khác xảy đến như sự đầy dẫy Đức Thánh Linh (Giăng 7:37-39; Công vụ 4:8), sự tôn kính Đức Chúa Trời cách sâu sắc (Công vụ 2:43; Hê-bơ-rơ 12:28), sự dâng mình cho Đức Chúa Trời và tự nguyện làm công việc của Ngài cách nóng cháy (Công vụ 2:43), một tình yêu tích cực nhiệt thành đối với Đấng Christ, Lời Ngài và những người bị hư mất (Mác 16:20).

8. Bằng Chứng Sơ Khởi Của Báp-têm Trong Đức Thánh Linh

Phép báp-têm của các tín hữu trong Đức Thánh Linh được chứng nhận bằng dấu hiệu sơ khởi là nói các thứ tiếng khác theo như Đức Thánh Linh cho họ nói (Công vụ 2:4). Nói tiếng khác (tiếng lạ) trong trường hợp này có cùng bản chất như ân tứ tiếng lạ (I Cô-rinh-tô 12:4-10, 28), nhưng khác biệt về mục đích và công dụng.

9. Sự Nên Thánh

Sự nên thánh là một hành động phân rẽ với điều ác, và dâng hiến chính mình cho Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1-2; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 13:12). Kinh Thánh dạy về đời sống “nên thánh.” Nếu không nên thánh thì không ai được thấy Chúa (Hê-bơ-rơ 12:14). Nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể vâng theo mạng lệnh của Chúa là “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Thánh” (I Phi-e-rơ 1:15-16).

Sự nên thánh được tín hữu nhận thức bằng việc thừa nhận mình kết hiệp với Đấng Christ trong sự chết và sự phục sinh của Ngài, bằng đức tin mỗi ngày kể mình sống trên sự kiện hiệp nhất ấy, và bằng sự dâng hiến đời sống mình cách liên tục cho sự cai trị của Đức Thánh Linh (Rô-ma 6:11,13; 8: 1,2,13; Ga-la-ti 2:20; Phi-líp 2:12-13; I Phi-e-rơ 1:5).

10. Hội Thánh Và Sứ Mạng

Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, nơi ở của Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh với sự chỉ định thiên thượng nhằm hoàn tất sứ mạng trọng đại. Mỗi tín hữu sau khi được Đức Thánh Linh sanh lại là một phần tử trong toàn bộ Hội Thánh chung và Hội Thánh của Con Trưởng được ghi danh trên thiên đàng (Ê-phê-sô 1:22-23; 2:22; Hê-bơ-rơ 12:23).

Vì mục đích của Đức Chúa Trời liên quan đến con người là tìm và cứu kẻ bị hư mất, được con người tôn thờ Ngài, và xây dựng một tập thể tín hữu giống như hình ảnh của Con Ngài, nên lý do chính yếu của sự hiện hữu của Giáo Hội Phúc Âm Ngũ Tuần Việt Nam như là một phần của Hội Thánh chung là:

a. Trở nên công cụ của Đức Chúa Trời để rao giảng Phúc Âm cho những người hư mất (Công vụ 1:8; Ma-thi-ơ 28:19-20; Mác 16: 15-16).
b. Trở thành một tập thể hữu hình trong đó con người có thể thờ phượng Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 12:13).
c. Trở thành một ống dẫn của Đức Chúa Trời để Ngài xây dựng một thân thể của các thánh đồ được toàn vẹn trong hình ảnh của Con Ngài (Ê-phê-sô 4:11-16; I Cô-rinh-tô 12:28, 14:12).

 Giáo Hội Phúc Âm Ngũ Tuần Việt Nam hiện hữu để đưa ra một sự nhấn mạnh liên tục rằng mẫu mực các sứ đồ của thời Tân Ước hiện còn tiếp diễn do việc dạy dỗ và khuyến khích tín hữu chịu báp-têm trong Đức Thánh Linh. Kinh nghiệm này:

a. Cho các tín hữu truyền giảng Phúc Âm trong quyền năng Đức Thánh Linh với các dấu kỳ phép lạ siêu nhiên kèm theo (Mác 16:15-20; Công vụ 4:29-31; Hê-bơ-rơ 2:3-4).

b. Tăng thêm chiều kích trong sự thông công thờ phượng Đức Chúa Trời (I Cô-rinhtô 2:10-16, 12-14).

c. Cho phép các tín hữu đáp ứng sự hành động trọn vẹn của Đức Thánh Linh trong sự bày tỏ bông trái và ân tứ, cũng như công tác phục vụ giống như trong thời Tân Ước để gây dựng thân thể Đấng Christ (Ga-la-ti 5:22-26; I Cô-rinh-tô 14:12; Ê-phê-sô 4:11- 12; I Cô-rinh-tô 12:28; Cô-lô-se 1:29).

11. Công Tác Phục Vụ

Sự kêu gọi thiên thượng và công tác phục vụ được tấn phong theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, được ban cho bởi Đức Chúa Trời nhằm mục đích tam diện để hướng dẫn Hội Thánh trong:

(1) việc truyền giảng Phúc Âm cho những người hư mất (Mác 16:15-20),

(2) thờ phượng Đức Chúa Trời (Giăng 4:23-24),

(3) gây dựng một thân thể gồm các thánh đồ được toàn vẹn theo hình ảnh của Con Ngài (Ê-phê-sô 4:11,16).

12. Sự Chữa Bệnh Thiên Thượng

Sự chữa bệnh thiên thượng là một phần không thể thiếu của Phúc Âm. Sự giải cứu khỏi bệnh tật được cung ứng trong chương trình cứu chuộc và là đặc quyền của tất cả tín hữu (Ê-sai 53:4-5; Ma-thi-ơ 8:16-17; Gia-cơ 5:14-16).

13. Hy Vọng Phước Hạnh

Sự sống lại của những kẻ ngủ trong Đấng Christ và sự biến hoá của những người đang sống để được Chúa đem lên trời khi Ngài trở lại là điều chắc chắn và là hy vọng phước hạnh của Hội Thánh (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17; Rô-ma 8:23; Tít 2:13; I Cô-rinh-tô 15:51-52).

14. Triều Đại Thiên Hy Niên Của Đấng Christ

Sự tái lâm của Đấng Christ bao gồm sự cất lên trời của các thánh đồ, tức là hy vọng phước hạnh của chúng ta, tiếp nối bằng sự trở lại cách thấy được của Đấng Christ cùng với các thánh đồ của Ngài để cai trị trên đất một ngàn năm (Xa-cha-ri 14:5; Ma-thi-ơ 24:27, 30; Khải huyền 1:7; 19:11-14; 20:1-6).

Triều đại Thiên Hy Niên này sẽ đem sự cứu rỗi cho quốc gia Do Thái (Ê-xê-chi-ên 37:21-22; Sô-phô-ni 3:19-20; Rô-ma 11:26-27) và thiết lập hoà bình trên toàn vũ trụ (Ê-sai 11:6-9; Thi Thiên 72:3-8; Mi-chê 4:3-4).

15. Sự Phán Xét Chung Thẩm

Sẽ có một cuộc phán xét chung thẩm trong đó những kẻ ác đã chết sẽ sống lại và bị xét xử tùy theo công việc họ đã làm. Người nào không được ghi tên vào sách sự sống, cùng với ma quỉ và các quỉ sứ, con thú và tiên tri giả, đều sẽ bị trừng phạt đời đời trong hồ lửa cháy với lưu hoàng, đó là sự chết thứ hai (Ma-thi-ơ 25:46; Mác 9:43-48; Khải huyền 19:20; 20:11-15; 21:8).

16. Trời Mới – Đất Mới

“Theo lời hứa của Ngài, chúng tôi trông đợi trời mới và đất mới là nơi sự công bình cư trú” (II Phi-e-rơ 3:13; Khải huyền 21, 22)

Lời Chúa mỗi ngày!

Đăng ký nhận bài học dưỡng linh