Trung tín - Tin cậy - Vâng lời

   Tôi là con trai của môt mục sư và tôi luôn nhớ những ngày nầy. Làm sao tôi có thể quên được những trải nghiệm đầy xúc động của thời thơ ấu. Khi đó dường như các cửa sổ trên thiên đàng đang mở toang và tuôn đổ những cơn mưa phước lành dư dật. Dường như chỉ mới hôm qua thôi, tôi tựa đầu vào vai mẹ và lắng nghe lời cha tôi khẩn nài cho những linh hồn hư mất thoát khỏi cơn thạnh nộ hầu đến. Vâng, tôi sẽ luôn lưu giữ những hồi ức quý báu nầy và càng trân trọng gìn giữ chúng kể từ khi cha tôi trở về nhà đời đời của ông. Cha tôi đang ở với Chúa, Đấng mà ông yêu mến và hầu việc Ngài thật trung tín.

   Tuy nhiên, có một số điều mà tôi muốn quên đi. Dầu công việc của một mục sư hầu như đầy sự thỏa lòng và bổ ích, nhưng cũng bao gồm những kinh nghiệm đầy thất vọng, cực kỳ khó khăn, gây nản lòng, làm cạn kiệt sức lực và làm hỏng đi những thành quả của những người đầy tớ tận hiến hơn hết của Đức Chúa Trời. Là con của một mục sư, tôi nhận biết những nan đề có một không hai mà một người được Đức Chúa Trời kêu gọi vào một chỗ hầu việc danh dự phải đối mặt. Bởi thế, lòng tôi vẫn nghĩ về những mục sư tận trung là những người hầu việc Đức Chúa Trời trong sự kêu gọi cao quý của họ.

   Không những việc giảng dạy, kêu gọi và nhiệm vụ quản trị làm tiêu tốn năng lực và khả năng chịu đựng của một mục sư, mà sự mòn mỏi về thể chất và sự suy kiệt tinh thần có thể dẫn đến những mối quan hệ căng thẳng giữa mục sư và giáo đoàn. Khi có sự hiểu lầm và phản đối liên quan đến những khác biệt ý kiến và những nhận định nghiêm túc từ phía những thành viên được tôn trọng, mục sư sẽ cảm thấy sức ép đè nặng trên chức vụ của ông. Việc không thể làm hài lòng những người mà ông yêu quý và sự ngao ngán vì bị chống đối bởi những người mà ông mong được họ ủng hộ tinh thần đôi khi khiến cho ông đưa tay lên để bày tỏ sự thất vọng.

   Thật tiếc vì trong nhiều Hội Thánh dường như Mục sư không thể làm điều gì đó thích hợp. Bất kể ông chân thành và cố gắng chịu khó nhọc đến đâu, lúc nào cũng có một số người sẵn sàng phê bình và soi mói. Một người đã mô tả điều nầy như sau:

- Nếu trẻ, mục sư thiếu kinh nghiệm; nếu tóc hoa râm, mục sư quá già đối với giới trẻ.

- Nều có năm hoặc sáu con, mục sư có quá nhiều con; nếu không có con, mục sư đang nêu gương xấu.

- Nếu đọc bài giảng soạn sẵn, bài giảng của mục sư sẽ khô khan; nếu giảng ứng khẩu, bài giảng sẽ không đủ sâu sắc.

- Nếu chăm lo cho người nghèo khó trong Hội Thánh, mục sư đang trình diễn trên sân khấu; nếu quan tâm đến người giàu, mục sư đang cố trở thành nhà quý tộc.

- Nếu sử dụng quá nhiều minh họa, Mục sư không chú ý đến Kinh Thánh; nếu không sử dụng các câu chuyện để minh họa, bài giảng của ông không rõ ràng.

- Nếu lên án điều sai trái, mục sư lập dị; nếu không giảng chống lại tội lỗi, mục sư là kẻ thỏa hiệp.

- Nếu giảng lẽ thật, mục sư làm mất lòng; nếu không giới thiệu “ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời” mục sư là kẻ giả hình.

- Nếu thất bại để làm mọi người hài lòng, mục sư làm tổn hại Hội thánh; nếu khiến cho mọi người vui lòng, mục sư không đáng tin cậy.

- Nếu lái ô tô cũ; ông làm nhục giáo đoàn; nếu mua chiếc mới, mục sư yêu mến những điều thuộc về thế gian.

- Nếu giảng suốt, hội chúng sẽ cảm thấy nhàm chán vì cứ nghe mãi một người giảng; nếu mời các diễn giả khác, mục sự trốn tránh nhiệm vụ.

- Nếu nhận lương cao, mục sư ham lợi; nếu đồng lương thấp, họ nói rằng mục sư không đáng giá bao nhiêu.

   Tôi hiểu rằng những tình huống trên được phóng đại nhằm nhấn mạnh đến thái độ chung ở nhiều nơi. Dường như không có quá nhiều khác biệt ở những nơi bạn đến hoặc ở Hội Thánh mà bạn tham dự, luôn luôn có một nhóm hoặc một phe phái đang gây cho Mục sư nản lòng. Dầu ông đang làm hết sức để chăn bầy chiên một cách trung tín, mong muốn những phước hạnh phong phú của Chúa trên chức vụ của ông và nói chung ông nổ lực để nhận được sự tán đồng từ giáo đoàn, vẫn luôn có người tìm lỗi lầm, chống đối ông hoặc đằng sau lưng, hoặc công khai.

Một Tấm Gương

   Trong Phúc Âm Giăng có ba điều nói về Giăng Báp-tít đúng là một đầy tớ thật của Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng nếu từng mục sư và mọi thành viên của giáo đoàn ghi nhớ ba điều nầy, nhiều khó khăn đang xảy ra trong các Hội Thánh của chúng ta ngày nay sẽ tránh được. Sứ đồ Giăng viết "Có một người Đức Chúa Trời sai đến tên là Giăng. Ông đến với tư cách một nhân chứng để làm chứng về ánh sáng hầu cho nhờ ông mọi người đều tin. (Giăng 1:6-8)

Có ba điều quan trọng đề cập đến Giăng Báp-tít trong các câu nầy.

   Thứ nhất, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người.” Ông là một người phàm, có những yếu đuối và giới hạn như những người khác. Giăng không phải là thiên sứ; ông không phải là một tạo vật siêu phàm; ông không phải là một đặc sứ phi thường đến từ ngôi của Đức Chúa Trời. Thay vì vậy lời ký thuật nói rằng “Có một người.”

   Thứ hai, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người Đức Chúa Trời sai đến.” Dầu là một con người có nhiều giới hạn, Giăng được biệt riêng ra từ giữa những người khác để trở thành người được lựa chọn một cách đặc biệt. Ông là người “Đức Chúa Trời sai đến.”

   Thứ ba, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người Đức Chúa Trời sai đến…để làm chứng về Sự Sáng.” Ông đến để rao giảng về Đấng Christ là Sự Sáng của thế giới. Đây là sứ mạng của Giăng. Câu 8 chép, “Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng.” Từ phân đoạn nầy trong Giăng 1 chúng ta học được ba đều sau đây về Giăng Báp-tít”:

1. Ông là một con người.

2. Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến.

3. Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Sự Sáng.

   Những điều nầy cũng được dùng để nói về tất cả những mục sư là những người thật sự được kêu gọi. Họ là những con người – họ có những giới hạn của con người. Họ là những người được Đức Chúa Trời sai phái, họ có thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Họ được sai đến để làm chứng về sự sáng, họ có sự ủy nhiệm từ trên trời. Công việc chính của họ là giới thiệu Chúa Giê-xu, Lời Hằng Sống, được khải tỏ trong Lời văn tự. Sứ mạng của họ là rao giảng về Đấng Christ, giống như Giăng Báp-tít, họ phải “làm chứng về Sự Sáng.”

   Vì thế bạn cần nhớ ba điều nầy khi nghĩ về Mục sư của bạn. Hãy nhớ rằng, là con người, mục sư có những lỗi lầm và giới hạn. Tuy nhiên, là người với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, mục sư phải được đối xử với tư cách là đầy tớ của Đức Chúa Trời.

Bởi vì sứ mạng của ông là công bố Phúc Âm của Đấng Christ, bạn phải hợp tác và dâng lời cầu nguyện để giúp cho chức vụ của ông đạt hiệu quả.

-Richard W. De Haan-

Tỉnh lược Bạn và Mục sư của bạn

Lời Chúa mỗi ngày!

Đăng ký nhận bài